banner
Đăng Nhập
  Thông tin y học

CHẨN ĐOÁN VÀ XỬ TRÍ CO GIẬT DO SỐT Ở TRẺ EM

Thời tiết thay đổi cùng với sức đề kháng kém của cơ thể sẽ gia tăng tình trạng sốt cao ở trẻ nhỏ. Khi trẻ bị sốt co giật thường làm cho các bậc cha mẹ lo lắng và lúng túng, không biết xử trí khi trẻ bị sốt cao co giật ra sao và có các loại thuốc nào ngăn ngừa triệu chứng này?

 Sốt co giật là một bệnh hay gặp ở trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi, khi có đợt sốt cao, dấu hiệu co giật chiếm tỷ lệ khoảng 5% và > 90 % co giật do sốt là lành tính, tuy nhiên có nhiều vấn đề nguy kịch có thể xảy ra như: sặc thức ăn vào đường hô hấp và tư thế ẵm không thích hợp gây khó thở, nghẹt thở. Nên khi trẻ bị sốt co giật thường làm cho các bậc cha mẹ hốt hoảng đưa con tới ngay bệnh viện làm khoa Nhi luôn trong tình trạng quá tải, và đôi khi lại rất nguy hại cho con. Vậy làm thế nào để sơ cứu nhanh tại nhà khi con có biểu hiện sốt cao co giật trước khi đưa tới bệnh viện là điều bố mẹ nên biết và lưu tâm.

I.Chẩn đoán: Khi có đủ các yếu tố sau:
    Tuổi từ 6 tháng đến 5 tuổi (chủ yếu ở lứa tuổi từ 12 – 18 tháng)
    Sốt khi co giật
    Cơn co giật toàn thể, kéo dài <= 15 phút
    Không có bất thường thần kinh sau cơn (không rối loạn tri giác, không thay đổi sức cơ, không yếu liệt)
    Không có tiền sử bệnh lý hệ thần kinh trung ương
    Không có các biểu hiện nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương
(Trẻ nhỏ <18 tháng triệu chứng của viêm màng não thường không rõ ràng. Do vậy cần phải hỏi kỹ bệnh sử, thăm khám lâm sàng đầy đủ và chi tiết, lặp lại nhiều lần để không bỏ sót viêm màng não. Khi nghi ngờ cần tiến hành chọc dò tủy sống)
II.Xử trí co giật do sốt
Nguyên tắc chung
- Hỗ trợ hô hấp, phòng ngừa thiếu Oxy não
- Cắt cơn co giật
- Xử trí sốt
- Điều trị nguyên nhân
- Tham vấn gia đình về cách chăm sóc trẻ
1.Hỗ trợ hô hấp
-    Tư thế: Nằm nghiêng, đầu ngửa nhằm tránh sặc
-    Khai thông đường thở: Hút đàm, chất nôn
-    Thở Oxy qua Cannula hay mặt nạ với FiO2 cao nhất để cung cấp Oxy tối ưu cho trẻ sau đó giảm dần FiO2
-    Đặt NKQ giúp thở nếu trẻ ngưng thở hay không cải thiện tình trạng Oxy hóa máu với các biện pháp khác
2.Cắt cơn giật
Cắt cơn giật cần được tiến hành song song với việc hỗ trợ hô hấp nhằm cung cấp Oxy một cách hiệu quả
Chỉ định khi co giật do sốt kéo dài trên 5 phút (thông thường các cơn giật kéo dài 2-3 phút và tự hết không đòi hỏi thuốc chống co giật)
Các thuốc nhóm Benzodiazepine được sử dụng do có thời gian khởi phát tác dụng nhanh
Diazepam: Có thể dùng đường hậu môn hay tĩnh mạch chậm. Không tiêm bắp do thời gian khởi phát tác dụng lâu, thời gian bán hủy lâu
-    Đường hậu môn: 0,5 mg/kg/liều
-    Đường TM: 0,2-0,3 mg/kg/liều (TMC)
Nếu không hiệu quả sau liều đầu có thể lặp lại liều thứ hai sau 10 phút, tối đa là 3 liều
Midazolam:
-    Tiêm TM: 0,1-0,2 mg/kg/liều; có thể lặp lại sau 10 phút, tối đa không quá 5mg
-     Bơm hậu môn: 0,5 mg/kg/liều
3.Xử trí sốt
- Cởi bỏ quần áo trẻ
- Lau mát bằng cách đắp khăn ướt với nước ấm lên hai nách, hai bẹn và trán
- Kết hợp dùng thuốc hạ nhiệt đường hậu môn: Paracetamol 10-15 mg/kg/lần, có thể lặp lại sau 4-6 giờ
- Điều trị nguyên nhân gây sốt
4.Cách chăm sóc trẻ khi co giật do sốt
1.    Khi trẻ co giật cha mẹ cần giữ bình tĩnh
2.    Kêu gọi người giúp đỡ
3.    Cho trẻ nằm nghiêng, dùng vật mềm đặt giữa 2 hàm răng để trẻ khỏi cắn phải lưỡi.Tuyệt đối không dùng vật cứng ngáng miệng trẻ để tránh gãy răng,không giữ chặt trẻ để tránh gãy xương, không nhỏ bất kỳ dung dịch hay chất gì vào miệng cháu do dễ gây sặc vào phổi gây viêm phổi
4.    Khi ngưng cơn co giật phải đưa trẻ về tư thế an toàn(lật nghiêng trẻ sang 1 bên,đầu hơi ngửa ra sau) để nếu có nôn thì chất nôn không trào ngược vào đường hô hấp.
5.    Dùng thuốc hạ sốt đặt hậu môn.
6.     Để trẻ nằm yên tránh kích thích nhiều.
7.    Đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất
5.Phát hiện và phòng trẻ sốt cao co giật
- Sử dụng nhiệt kế khi nghi ngờ trẻ sốt
- Để trẻ ở chỗ thoáng cởi bỏ quần áo không bọc kín
- Lau mát, dùng thuốc nếu nhiệt độ >38,5oC (Paracetamol)
- Không nên dùng cồn 90o lau mát do có thể gây ngộ độc khi thấm qua da với số lượng lớn
- Không nên dùng nước đá lau mát, không chà chanh do sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn sẽ gây khó chịu cho trẻ, gây run tăng sản nhiệt, có thể gây co giật.



                                               Người viết
BS Hoàng Trần Thùy Trang-Khoa Nhi BV Ninh Thuận


 

In      [ Trở về ]
 
Các Thông tin y học đã đưa
   BẢN TIN AN TOÀN Y TẾ QUÝ II/2017 (10:48 - 01/09/2017)
   XỬ LÝ CHẤN THƯƠNG PHẦN MỀM VÙNG KHỚP (08:34 - 01/09/2017)
   XỬ LÝ CHẤN THƯƠNG PHẦN MỀM VÙNG KHỚP (22:44 - 31/08/2017)
   KỸ THUẬT CHỤP X-QUANG TUYẾN VÚ (17:00 - 24/08/2017)
   CÁC PHƯƠNG PHÁP KHẢO SÁT HÌNH ẢNH HỌC MẠCH MÁU (00:38 - 17/07/2017)