banner
Đăng Nhập
  Thông tin y học

MỘT SỐ HIỂU BIẾT CƠ BẢN VỀ XÉT NGHIỆM HbA1C ĐỐI VỚI BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Tổng quan

Đái tháo đường (ĐTĐ) hay bệnh tiểu đường, là bệnh ngày càng phổ biến ở các nước có xu hướng chuyển đổi nền kinh tế từ nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp, trong đó có Việt Nam, nó gây nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng sống của con người, và tạo ra gánh nặng tài chính cho xã hội cũng như tăng áp lực lên ngành y tế.

Đái tháo đường xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin, hoặc cơ thể giảm đáp ứng với hiệu lực của insulin (đề kháng với insulin). Bình thường, thức ăn sau khi vào cơ thể sẽ được chuyển thành đường Glucose đi vào trong máu. Insulin có tác dụng giúp vận chuyển đường Glucose từ máu vào các tế bào để sinh ra năng lượng.

Trong bệnh ĐTĐ, Glucose không được đưa vào các tế bào mà nó vẫn tồn tại trong máu làm cho nồng độ đường trong máu tăng lên quá mức bình thường.

Các loại đái tháo đường:

Có ba loại ĐTĐ chính:

1. Đái tháo đường type 1: Thể ĐTĐ này thường ảnh hưởng đến trẻ em, thường gặp ở những người dưới 30 tuổi, nhưng cũng có thể xãy ra ở người lớn. Trong ĐTĐ type 1, cơ thể không thể sản xuất insulin. Nguyên nhân từ sự bất thường trong cấu trúc hoặc số lượng của các tế bào beta trong tuyến tụy, dẫn đến sự thiếu hụt các tế bào sản xuất insulin (bất thường về số lượng tế bào), hoặc không còn khả năng sản xuất được insulin (bất thường về cấu trúc tế bào). Khi không có Insulin, tế bào trong cơ thể sẽ không sử dụng được Glucose, do đó Glucose trong máu sẽ tăng cao. Đây là loại ĐTĐ phụ thuộc insulin, bệnh nhân cần được tiêm insulin hàng ngày để điều trị.

2. Đái tháo đường type 2: Đây là thể ĐTĐ thường gặp nhất. Thông thường, với bệnh ĐTĐ type 2, cơ thể sản xuất ra lượng insulin ít hơn bình thường (suy giảm chức năng tế bào beta), hoặc vẫn sản xuất đủ lượng insulin, nhưng các tế bào không thể sử dụng nó (gọi là đề kháng insulin). Theo thời gian, đường huyết sẽ tăng cao trong máu. Tình trạng thừa cân, béo phì, ít hoạt động thể lực, là những đặc điểm thường thấy ở người đái tháo đường type 2 có đề kháng insulin.

3. Đái tháo đường thai kỳ: Thể ĐTĐ xảy ra ở một số phụ nữ mang thai và thường tự chấm dứt sau khi sanh. Mặc dù thể này thường ít gây ra các biến chứng nặng nề cho những năm về sau, nhưng nó có thể gây ra một số vấn đề trong quá trình mang thai. Phụ nữ bị ĐTĐ thai kỳ có nhiều khả năng phát triển thành bệnh ĐTĐ type 2 sau này.

Tại Hoa kỳ, Hiệp hội đái tháo đường của nước này (ADA) gần đây đã đưa xét nghiệm HbA1C vào tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh ĐTĐ và tiền đái tháo đường. Trong nhiều năm, xét nghiệm HbA1C, giúp đánh giá mức độ Glucose trung bình trong máu trong 2-3 tháng qua. HbA1C được sử dụng để theo dõi sự kiểm soát Glucose ở những người đã được chẩn đoán bệnh ĐTĐ hoặc có nguy cơ ĐTĐ. Ban đầu HbA1c không được khuyến cáo dùng để chẩn đoán ĐTĐ.

Từ năm 2010, ADA đã chấp nhận xét nghiệm HbA1C như là công cụ chẩn đoán và sàng lọc ĐTĐ. Trước đây, các xét nghiệm dựa trên việc đo lượng Glucose trong huyết tương đã được sử dụng để phát hiện bệnh đái tháo đường ở những người không có triệu chứng. Các xét nghiệm này bao gồm: đo Glucose huyết tương lúc đói (FPG) hoặc test dung nạp Glucose (OGTT).Giờ đây, HbA1C là một lựa chọn nữa giúp chẩn đoán bên cạnh các xét nghiệm đường huyết.

Lưu ý là, xét nghiệm HbA1C để chẩn đoán bệnh đái tháo đường có thể không thích hợp trong một số tình huống nhất định, ví dụ như xuất huyết nặng, mang thai, và thiếu máu (trong những tình huống như thế kết quả HbA1c sẽ không chính xác).

Xét nghiệm HbA1C là gì?    

Đo lượng đường trong máu bằng phương pháp thường sử dụng như hiện nay là định lượng Glucose trong huyết tương hoặc huyết thanh, hay với máy xét nghiệm tại nhà do người bệnh tự đo, chỉ cho chúng ta biết trị số của đường huyết trong thời điểm đó mà thôi. Do đó, muốn biết đường huyết trung bình của bệnh nhân bị ĐTĐ trong một thời gian nào đó, người ta phải nhờ đến một xét nghiệm đặc biệt có tên là Glycated Hemoglobin Testing còn gọi là HbA1C.

Mục tiêu của điều trị bệnh ĐTĐ là giữ cho bệnh nhân có mức đường huyết ổn định nhằm ngăn ngừa biến chứng của bệnh. Một trong những chỉ số giúp bác sỹ kiểm tra mức độ ổn định đường huyết là HbA1c, tuy nhiên, việc kiểm tra chỉ số này thường không được áp dụng đúng trong quá trình điều trị. Nguyên nhân chính là do bệnh nhân không hiểu đúng tầm quan trọng của chỉ số vàng này trong kiểm soát  đường huyết.

1. HbA1C được hình thành như thế nào?

  • Hemoglobin (Hb) là một trong những thành phần cấu tạo nên tế bào hồng cầu của máu, có vai trò vận chuyển oxy trong máu. Bình thường luôn luôn có sự gắn kết của đường trong máu với Hb của hồng cầu.
  • HbA1C chiếm phần lớn ở người lớn, nó đại diện cho tình trạng gắn kết của đường trên Hb hồng cầu.
  •  Sự hình thành HbA1C xảy ra chậm 0.05% trong ngày, và tồn tại suốt trong đời sống hồng cầu 120 ngày, thay đổi sớm nhất trong vòng 2 tuần lễ.

2. Xét nghiệm HbA1c được thực hiện như thế nào?

- Xét nghiệm HbA1C được thực hiện bằng cách lấy một mẫu máu nhỏ của bạn và được đo tại phòng xét nghiệm theo nhiều phương pháp khác nhau, kết quả được tính theo tỉ lệ phần trăm hemoglobin của máu.

3. Xét nghiệm HbA1C có ý nghĩa như thế nào?

Xét nghiệm HbA1C cho biết mức đường huyết trung bình của bạn trong 2-3 tháng vừa qua. Đây là xét nghiệm tốt nhất để theo dõi sự kiểm soát đường huyết, giúp bạn và bác sĩ điều trị đánh giá được đường huyết có kiểm soát tốt hay không trong thời gian vừa qua.

4. Giá trị bình thường của HbA1C là bao nhiêu?

- Bình thường HbA1C chiếm 4-6% trong toàn bộ hemoglobin.

- Khi HbA1C tăng trên mức bình thường 1% tương ứng với giá trị đường huyết của bạn tăng lên 30mg/dL hay 1,7 mmol/L.

- Khi HbA1C tăng trên 10% cho thấy đường huyết của bạn trong thời gian qua kiểm soát kém.

- Khi HbA1C dưới 6.5% cho thấy đường huyết của bạn được kiểm soát tốt.

5. Tại sao cần kiểm soát chỉ số HbA1C?

- Vì với HbA1C < 6.5%, bạn có thể làm chậm và ngăn ngừa sự phát triển các biến chứng về mắt, thận và thần kinh do bệnh ĐTĐ. Theo nhiều nghiên cứu lớn trên thế giới thì kiểm soát đường huyết 24h hàng ngày, liên tục qua một chế độ dinh dưỡng hợp lý, lối sống thích hợp có thể làm thay đổi chỉ số HbA1c.

6. Theo dõi HbA1C như thế nào?

- Tất cả bệnh nhân ĐTĐ type 1 và type 2 nên xét nghiệm HbA1C tối thiểu hai lần trong một năm, khi đường huyết không ổn định thì nên xét nghiệm thường xuyên hơn, tức khoảng ba tháng một lần.

7. Theo dõi đường huyết khi đói và HbA1C khác nhau như thế nào?

Theo dõi đường huyết khi đói chỉ cho thấy giá trị đường huyết ở thời điểm làm xét nghiệm.

Xét nghiệm HbA1C cho thấy bức tranh lớn hơn về tỷ lệ % trung bình đường huyết của bạn trong 2-3 tháng qua, tuy nhiên cả 2 đều giúp cho bạn và bác sỹ có kế hoạch thay đổi trong điều trị về chế độ ăn, tập luyện thể dục cũng như chế độ dùng thuốc thích hợp hơn.

8. Kiểm soát HbA1C và đường huyết như thế nào là tốt?

Đường huyết được kiểm soát tốt nhất khi chỉ số HbA1C nhỏ hơn 6.5% và nồng độ Glucose trong huyết thanh nằm trong giới hạn sinh lý (80-120 mg/dL). Trong một số trường hợp, các bác sỹ có thể chấp nhận mức đường huyết lúc đói khoảng 150mg%, nhằm tránh các biểu hiệu hạ đường huyết ở người ĐTĐ, đặc biệt là ở những người có ngưỡng đường huyết cao kéo dài.

Khi lượng đường trong máu xuống mức 60mg% hoặc thấp hơn, gọi là hạ đường huyết. trường hợp này có thể dẫn đến các vấn đề quan trọng đối với sức khỏe, có khi còn nguy hiểm đến tính mạng. Mỗi người bệnh thường có một ngưỡng khác nhau về khả năng đáp ứng của cơ thể với mức đường trong máu của mình, do vậy, bạn cần  tham vấn bác sỹ chuyên khoa về nội tiết, nếu có bác sỹ riêng càng tốt.

9. Làm như thế nào để HbA1C dưới 6.5%?

Giữ đường huyết ổn định trong thời gian lâu dài đòi hỏi bạn phải tuân thủ nghiêm ngặt, chặt chẽ hàng ngày về chế độ ăn, chế độ tập luyện, và chế độ dùng thuốc. Bạn có thể tự theo dõi đường huyết tại nhà bằng các máy cá nhân, tuy nhiên, độ tin cậy của phương pháp này thường không cao, do nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, như kỹ thuật lấy máu mao quản, thể tích giọt máu mà bạn cho lên kit thử nghiệm, cách bảo quản kit thử…

Nên nhớ kiểm soát mức đường huyết ổn định liên tục 24 giờ trong ngày là rất quan trọng  để giữ cho HbA1C ở giá trị mà bạn mong muốn.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH:

Xét nghiệm Glucose, HbA1C trên máy sinh hóa tự động tại khoa Hóa sinh - Vi sinh

Phòng xét nghiệm phục vụ người bệnh khám ngoại trú

                                                                                  Trương Khắc Chí - Nguyễn Thế Vinh

Khoa Hóa sinh - Vi sinh 

In      [ Trở về ]
 
Các Thông tin y học đã đưa
   NHỮNG HIỂU BIẾT VỀ MÁU DÀNH CHO NGƯỜI BỆNH (14:37 - 07/05/2018)
   SÀNG LỌC SƠ SINH (09:53 - 15/03/2018)
   NỘI SOI ĐẠI, TRỰC TRÀNG: NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT (09:18 - 15/03/2018)
   CHẨN ĐOÁN VÀ XỬ TRÍ CO GIẬT DO SỐT Ở TRẺ EM (09:39 - 22/09/2017)
   BẢN TIN AN TOÀN Y TẾ QUÝ II/2017 (10:48 - 01/09/2017)