banner
Đăng Nhập
  Thắng cảnh Ninh Thuận

Tháp Chàm - Ninh Thuận

Người Chăm gọi tháp là Bimôn hay Kalan, nhưng nhà thơ Chăm Inrasara lại gọi Tháp Nắng, Tháp Hoang, Tháp Lạnh..còn rất nhiều tên nữa, bởi Tháp Chàm ẩn chứa bao điều chưa nói hết. Thế nhưng với nhiều người, đã một lần ngắm những tháp Chăm vươn cao trên đỉnh đồi đón nắng hè hừng hực, hay những bức tường gạch đỏ rêu phong hắt nắng vàng của buổi chiều tà, thì tên gọi tháp Nắng sẽ ở mãi trong lòng

Trên xứ sở Panduranga này còn lại ba cụm tháp tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc Chămpa, ẩn chứa những giá trị văn hóa, tín ngưỡng rất lớn và được coi là ba viên ngọc quý còn sót lại của tiểu quốc cổ xưa: Tháp Hòa Lai, Pôrôme và Pô Klông Garai.

Cụm tháp Hòa Lai, còn có tên Ba Tháp, nằm ven quốc lộ 1A cách Phan Rang 14km về phía bắc, được xây dựng từ đầu thế kỷ thứ 9. Cụm tháp đã từng được các nhà nghiên cứu phương Tây đánh giá là kiến trúc tháp cổ và đẹp nhất của Chămpa. Ðáng tiếc là nay tháp chính đã bị sụp đổ chỉ còn lại tháp Bắc và tháp Nam nhưng cũng trong tình trạng hoang tàn. Di tích là thân tháp hình khối lập phương khỏe khắn nhô lên từ một phần bệ vuông và đỡ cả một hệ thống các tầng nhỏ dần vẫn còn những hoa văn điêu khắc rất tỉ mỹ rất đẹp trên vòm cửa, trên các trụ ốp, trên bộ diềm mái. Một điều mà cho đến nay vẫn chưa xác định được là chức năng thờ tự của tháp, bởi vì hầu như không phát hiện đồ thờ bằng đá hoặc kim loại nào cũng như không có dấu tích của một bia ký nào.

Nếu tháp Hòa Lai là công trình của buổi bình minh của nghệ thuật Chăm, thì tháp Pôrôme là ngôi tháp cuối cùng bằng gạch và cũng là ngôi tháp lớn cuối cùng của vương triều Panduranga. Tháp xây dựng vào thế kỷ thứ 16 tại làng Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước trên một ngọn đồi cao 50 mét. Tháp nhô, hình vuông, cao 8 mét, gồm ba tầng mái mỗi tầng có bốn tháp góc, các góc trang trí hình ngọn lửa và đỉnh tháp là búp sen bằng đá, trong tháp thờ tượng vua Pôrôme dưới dạng thần Shiva tám tay. Trước đây, còn có tượng hoàng hậu ở bên cạnh, nhưng đã bị đánh cắp. Tượng bà hoàng thứ hai ở gian phía sau cũng vậy. Tuy công trình không trang nhã và tinh tế như các tháp cổ khác, tháp Pôrême vẫn là một kiến trúc đầy ấn tượng. Sau con đường dài qua những làng Chăm im lìm, từ xa, ngọn tháp nổi bật trên đỉnh đồi. Leo thang những bậc đá dài, thẳng tắp đến bên chân tháp. Không gian bao la, im vắng, không một âm thanh dù chỉ tiếng lá rơi. Ngọn tháp đứng trầm tư thời gian như dừng lại. Cảm giác thật là lạ, nhất là nghe chợt nhớ về thành phố náo nhiệt, ồn ào.

Nhưng đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm là quần thể tháp Pô Klông Garai, tương truyền do vua Chế Mân (người đã cưới Huyền Trân Công chúa) xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ thứ 13 để thờ Pô Klông Garai là vị vua ngày xưa có công lớn trong dẫn thủy nhập điền, phát triển việc cày cấy cho đồng bào Chăm. Cụm tháp nằm trên ngọn đồi Trầu, mảnh đất khô hạn của xương rồng, nổi bật trên nền trời với ba tháp: Tháp Cổng, Tháp Lửa và Tháp Chính. Mỗi cạnh, mỗi tầng của từng tháp được trang trí bằng các họa tiết đá, gốm với đủ loại hình người, hình đuôi rồng, hình lá, hình bò thần...

Tháp Chính cao 20m5, mỗi cạnh dài trên 10m, có nhiều tầng giả mà tầng trên là hình ảnh thu nhỏ của tầng dưới, đỉnh là một tảng đá nhọn, bình đồ vuông theo kiến trúc truyền thống Chăm pa, nội thất hình chữ nhật theo hướng đông - tây và mở cửa ra hướng đông. Tượng thần Shiva sáu tay đang múa trên cửa Tháp Chính là một pho tượng tuyệt đẹp. Hai bên cửa vào Tháp Chính là bia ký chữ Chăm cổ ghi lại những lần trùng tu và lễ vật cúng thần. Trong vòm cửa có tượng đá bò thần Nandin, vật cưỡi cửa Shiva, người Chăm cúng lễ bò thần để cầu được mùa. Lòng tháp nhỏ hẹp, có một bệ thờ vua Pô Klông Garai theo dạng Mukhalinga, nghĩa là một trụ tròn Linga (hình ảnh của dương vật hay Shiva) bên trên tạc khuôn mặt vua Pô Klông Garai, tất cả đặt trên một Yoni có rãnh thoát nước (nước để tắm tượng trong ngày lễ).

Tháp lửa nằm ở phía đông Tháp chính, cao 9m31, hai mái cong hình chiếc thuyền, biểu tượng của tín ngưỡng Bà la môn (thuyền chở linh hồn người quá cố về phía tây nơi mặt trời lặn) và cũng là một kiểu mái quen thuộc của kiến trúc Ðông Nam Á. Tháp lửa có lẽ là nơi xưa kia để long bào, đai mão, xiêm y và các vật quý tế lễ. Tháp Cổng nằm phía trước phía đông tháp Lửa, cao 8m56, hoa văn chạm trổ giống tháp Chính, có hai cửa thông nhau theo trục đông - tây tạo thành một lối cổng tháp. Nơi đây là cổng ra vào hành lễ, cúng tế.

Như thế, ngoài tháp Hòa Lai chưa rõ chức năng cúng lễ, hai tháp Pôrôme và Pô Klông Garai thờ hai vị vua Chăm đã được thần hóa dưới hình thể của thần Shiva trong Bàlamôn giáo. Mỗi tháp có bảy làng phục vụ, nhưng đứng đầu chỉ có một vị cả sư, chẳng hạn như tháp Pôrôme có đến 7 làng - Mỹ Nghiệp, Văn Lâm, Nho Lâm, Dụ Bổn, Hậu Sanh...phục vụ, nhưng chỉ có một thầy cả người Mỹ Nghiệp mà thôi.

Nguồn: tourdulich.com

In      [ Trở về ]