Cập nhật: 09:47 - 16/10/2019
Bài viết về phòng chống tham nhũng: Một số giải pháp cơ bản tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng của MTTQ Việt Nam

(Mặt trận) - Hoạt động phòng, chống tham nhũng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thực hiện với nhiều phương thức khác nhau, từ trực tiếp tới phối hợp với cơ quan Nhà nước để tham gia phòng, chống tham nhũng. Bài viết đưa ra một số giải pháp cơ bản tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phối hợp với các cơ quan Đảng, Nhà nước để ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, thì giải pháp chính là những cách giải quyết nhằm làm cho các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý người có hành vi tham nhũng ngày càng nhiều và có hiệu lực, hiệu quả hơn.

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật về PCTN của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội về đấu tranh PCTN

“PCTN cần có cơ chế giám sát, kiểm soát từ trong chính bản thân nhà nước và từ ngoài xã hội. Nhưng tự bản thân nhà nước thường không có động lực để tự làm khó cho mình mà nhà nước chỉ làm và làm tốt khi phải đối mặt với sức ép mạnh mẽ từ người dân, công luận và xã hội. Vì vậy PCTN phải được thiết kế từ bên trong tổ chức thực thi quyền lực nhà nước và kết hợp với cơ chế giám sát, kiểm soát từ xã hội đối với nhà nước”1. Cùng với các cơ quan nhà nước, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên Mặt trận tiếp tục tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, hội viên, đoàn viên và nhân dân về các chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước về PCTN; gắn PCTN với việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên Mặt trận cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về PCTN, như: Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Luật Tố cáo năm 2018, Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản hướng dẫn thi hành; chú trọng tuyên truyền, phổ biến các quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong PCTN; tiếp tục tuyên truyền về Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến công tác PCTN…

Để thực sự đạt hiệu quả, cần đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, phổ biến, như: Biên soạn, phát hành các tài liệu tuyên truyền về PCTN; phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng về PCTN; xây dựng và nhân rộng mô hình điểm tuyên truyền tốt về PCTN cho cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống Mặt trận và nhân dân ở khu dân cư; tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn chuyên đề về pháp luật PCTN… nhằm cung cấp thông tin, trao đổi, thảo luận, kiến nghị, đề xuất các vấn đề về công tác PCTN.

Phát huy tốt vai trò của nhân dân trong việc tham gia PCTN, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cần đóng vai trò tích cực, hiệu quả hơn trong việc góp phần xây dựng, khôi phục lại những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc để nhấn mạnh yếu tố phi văn hóa, phi đạo đức của hành vi tham nhũng2. Mặt trận và các tổ chức thành viên cần phát động và thường xuyên duy trì cuộc vận động xây dựng văn hóa liêm chính, “nói không với tham nhũng” cho các tầng lớp nhân dân và thành viên, hội viên. Mỗi tổ chức thành viên của Mặt trận, tùy theo đặc thù về tổ chức và thành viên, hội viên của mình cũng cần có những chương trình, cam kết hành động về PCTN của tổ chức mình.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tích cực vận động nhân dân và báo chí đấu tranh PCTN

Đồng thời với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về PCTN cho nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phải thực sự đóng vai trò là người tổ chức để quần chúng tham gia đấu tranh chống tham nhũng, vận động, hướng dẫn họ cách thức PCTN, sao cho có hiệu quả3. Mặt trận phải đóng vai trò là “cầu nối” vững chắc giữa người dân với các cơ quan có thẩm quyền PCTN để người dân có thể coi Mặt trận là một kênh tin cậy giúp họ phản ánh các thông tin về tham nhũng tới các cơ quan này và giám sát, đôn đốc việc giải quyết, phản hồi thông tin trở lại; yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm bảo vệ họ và trực tiếp bảo vệ họ khỏi sự trả thù của những người bị tố cáo tham nhũng; tạo cảm hứng, niềm tin giúp họ vững tin vào hành động PCTN…

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam “không chỉ tập hợp, đoàn kết các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị cũng như các công dân nói chung, mà quan trọng hơn là thông qua thiết chế báo chí - truyền thông và dư luận xã hội để phát huy vai trò của mình, của nhân dân và hệ thống chính trị trong đấu tranh chống tham nhũng”4. Các quốc gia đều thừa nhận và tôn trọng sức mạnh và hiệu quả to lớn của công luận, của báo chí. Tiếng nói của báo chí cũng là sức ép buộc các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm phải xử lý các vụ việc tham nhũng. Rất nhiều vụ tiêu cực, tham nhũng lớn được đưa ra xét xử thời gian gần đây, công lớn đầu tiên thuộc về báo chí. Vì vậy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần quan tâm đến việc sử dụng và phát huy hiệu quả của phương tiện này.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về PCTN, trong đó có các quy định liên quan đến quyền và trách nhiệm thực hiện PCTN của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Thực tiễn ở nước ta những năm qua cho thấy, chính sách, pháp luật về PCTN cũng thường xuyên được hoàn thiện, Luật PCTN năm 2018 được ban hành; trong đó, đã quy định tương đối rõ trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận. Giải pháp tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về PCTN, lãng phí, trong đó quan tâm hoàn thiện những quy định liên quan đến quyền và trách nhiệm PCTN của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là rất quan trọng và cần thiết.

 Hiện nay, so với các quy định tương tự trước đó tại Luật PCTN năm 2007 và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, quy định về trách nhiệm PCTN của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Luật PCTN năm 2018 đã có sự kế thừa và hoàn thiện, cụ thể hơn, phù hợp thực tế hơn. Tuy nhiên, để những quy định mới này đi vào cuộc sống, trở thành công cụ pháp lý hữu hiệu cho công tác đấu tranh PCTN của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì cần phải tiếp tục quy định cụ thể hóa và hướng dẫn thực hiện chi tiết hơn. Việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật PCTN năm 2018 cần phải chú trọng quy định cơ chế cụ thể để tăng cường hơn nữa sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong công tác PCTN. Trong đó, chú trọng việc quy định về cơ chế, hình thức giám sát hoạt động công khai minh bạch trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan, đơn vị; quy định cơ chế cụ thể về việc biểu dương, khen thưởng và bảo vệ những người tố cáo tham nhũng...

Ở cơ sở, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phối hợp với chính quyền cơ sở trong việc xây dựng, tuyên truyền và tham gia tổ chức để nhân dân thực hiện các hương ước, quy ước về văn hóa ứng xử, xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh, ý thức liêm chính, sống và làm việc theo quy định của pháp luật, “nói không” với tham nhũng và lên án mọi hành vi, biểu hiện tham nhũng ngay từ trong mỗi công dân và trong cộng đồng dân cư ở cơ sở.

Các cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước cần “tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, đoàn thể phát huy vai trò trong PCTN. Cần sắp xếp tạo điều kiện thuận lợi về nhân sự, chế độ, chính sách, kinh phí, hoạt động cho Mặt trận Tổ quốc, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng...; có cơ chế yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp kịp thời các thông tin, tài liệu liên quan trực tiếp đến nội dung giám sát, xác minh để các tổ chức, đoàn thể thực hiện chức năng giám sát; xem xét giải quyết kịp thời các kiến nghị, phản ánh chuyển đến của tổ chức, đoàn thể này. Đồng thời, các cơ quan nhà nước phải thực hiện nghiêm túc việc thông báo kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị; mời đại diện các tổ chức, đoàn thể tham dự các cuộc họp có nội dung liên quan đến nhiệm vụ giám sát của tổ chức, đoàn thể đó”5.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đẩy mạnh việc tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật

Trong thời gian qua, cũng đã có những văn bản pháp luật ngay từ khâu dự thảo đã không nhận được sự đồng thuận của người dân và vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận xã hội bởi nhiều lý do; nhưng thường là do có dấu hiệu của “lợi ích nhóm”, của “tham nhũng chính sách”6.

Ở nước ta, trong cơ chế một đảng lãnh đạo, rõ ràng cần có sự tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát quá trình xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách là tổ chức độc lập ngoài nhà nước, là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài7. Sự tham gia, phản biện xã hội và giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp phần quan trọng bảo đảm tính khách quan, đúng đắn của quá trình xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật, góp phần khắc phục những hạn chế vốn có của cơ chế một đảng lãnh đạo, thực hiện dân chủ xã hội, phát huy trí tuệ của đông đảo nhân dân, tạo đồng thuận xã hội.

Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác Mặt trận, nhất là đối với công tác trực tiếp PCTN

Để Mặt trận thực hiện tốt trách nhiệm PCTN thì, từng cán bộ làm công tác Mặt trận phải được nâng cao năng lực PCTN. Mặt trận cần tổ chức tốt và thường xuyên các hội thảo, tập huấn để trang bị cho cán bộ, công chức những kiến thức, kỹ năng cần thiết để đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả công tác PCTN. Đồng thời, cần tiếp tục kiện toàn, củng cố về tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở khu dân cư - những “cánh tay nối dài” của Mặt trận.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động PCTN

Năm 2018, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành bản “Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện công tác PCTN, lãng phí giai đoạn 2018 - 2020” (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 24/NQ-MTTW-UB ngày 22/1/2018 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam). Điều này phản ánh một yêu cầu tất yếu và cấp thiết đặt ra cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tình hình hiện nay. Chương trình là sự cụ thể hóa các quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức khác thuộc hệ thống chính trị trong lĩnh vực PCTN.

Chương trình yêu cầu Mặt trận Tổ quốc các cấp, các thành viên của Mặt trận phải phát huy tinh thần chủ động, tích cực và nghiêm chỉnh thực hiện chính sách, pháp luật về PCTN; thực hiện đúng trách nhiệm của mình trong lĩnh vực này với những nhiệm vụ được xác định cụ thể, phù hợp với thực tế và phải tiếp tục cụ thể hóa trách nhiệm này thành những nhiệm vụ cụ thể trong từng năm, có sơ kết, kiểm điểm, đánh giá định kỳ. Chương trình cũng yêu cầu Ủy ban Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên phải chú trọng kiểm tra hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị kinh tế, các quỹ, các chương trình, dự án được quản lý; không để xảy ra tham nhũng. Người đứng đầu cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên các cấp phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tham nhũng ở cơ quan nơi trực tiếp lãnh đạo, quản lý.

Giải pháp PCTN của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói chung và những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể đã được xác định trong Chương trình hành động PCTN của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ chỉ thật sự được thực hiện và có hiệu quả trên thực tế khi đội ngũ những người làm công tác Mặt trận, nhất là những người đứng đầu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp thực sự gương mẫu trong PCTN. Hệ thống Mặt trận phải gương mẫu xây dựng, củng cố văn hóa liêm chính trong nội bộ hệ thống; tổ chức Mặt trận phải trong sạch, cán bộ Mặt trận phải có “bàn tay sạch”, “không nhúng chàm” thì mới có thể thực hiện được tất cả các giải pháp đã nêu. Muốn vậy, ngay từ khâu tuyển dụng, bổ nhiệm, bố trí cán bộ cho đến khâu quản lý, sử dụng cán bộ Mặt trận phải luôn quan tâm đến chất lượng cán bộ; có chính sách thu hút những người vừa có năng lực chuyên môn, vừa có phẩm chất tốt vào làm công tác Mặt trận. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp cần trực tiếp hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xây dựng và thực hiện các chính sách đãi ngộ về tiền lương, khen thưởng, sử dụng và đề bạt phù hợp, kịp thời để động viên cán bộ Mặt trận nhiệt tình công tác, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ và lối sống; kiên quyết xử lý những cán bộ Mặt trận có hành vi tham nhũng. Đây vừa là giải pháp trực tiếp, vừa là tiền đề cho các giải pháp khác của Mặt trận được thực thi nghiêm túc và đạt hiệu quả.

Nguyễn Quang Minh

TS, Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam

Nguồn: http://mattran.org.vn/