banner
Đăng Nhập
  Sức khỏe cộng đồng

TIÊM CHỦNG MỞ RỘNG LÀ ĐẦU TƯ CHO SỨC KHỎE

 “Việt Nam là điểm sáng về tiêm chủng, sớm đạt mục tiêu thiên niên kỷ về chăm sóc sức khỏe trẻ em. Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) góp phần giảm chi phí điều trị, giảm nguy cơ tàn phế của trẻ em, qua đó giảm thời gian chăm sóc của bà mẹ, tăng sức khỏe, tăng hiệu suất làm việc của bà mẹ... Do đó, có thể nói TCMR là biện pháp đầu tư cho sức khỏe” - Đây là thông tin được PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Trưởng Ban quản lý dự án TCMR nhấn mạnh tại cuộc tọa đàmtrực tuyến “Tiêm chủng mở rộng”


Nhiều câu hỏi đã được người dân đưa ra cho các chuyên gia tham gia tọa đàm. Ảnh: Bích Ngọc

         Nhiều dịch bệnh được thanh toán nhờ TCMR

        Theo PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển, Chương trình TCMR được triển khai ở nước ta từ năm 1985 với 6 loại vaccin là: lao, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi. Năm 1997 chúng ta bổ sung thêm vaccin viêm gan B, năm 2010 là vaccin Hib phòng viêm màng não Nhật Bản và viêm phổi. Đồng thời, tại những vùng có nguy cơ cao, chúng ta có bổ sung tiêm chủng vaccin thương hàn, viêm não Nhật Bản. “Trong 28 năm qua, Chương trình TCMR đã chứng tỏ hiệu quả qua việc chúng ta đã thanh toán được các bệnh đậu mùa, bại liệt, uốn ván; nhiều bệnh khác đã giảm đáng kể như sởi, viêm gan. Tình hình mắc sởi từ hàng trăm ngàn mắc mỗi năm vào trước năm 1985 đến nay chỉ còn vài chục ca mỗi năm; tỷ lệ trẻ mắc viêm gan B từ 5% xuống 2% vào 2010. Đồng thời chúng ta cũng ít gặp các ca mắc bạch hầu, ho gà. Có thể nói, TCMR là chương trình y tế có hiệu quả nhất ở Việt Nam hiện nay” - PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển nhấn mạnh.

        Bổ sung thêm về vấn đề này, BS. Kohei Toda, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho rằng, Chương trình tiêm chủng của Việt Nam đã hết sức thành công, tỷ lệ bao phủ cao của chương trình là thành tựu quan trọng đáng khích lệ. Theo BS. Toda, trên bình diện toàn cầu, sự thành công của Chương trình tiêm chủng không chỉ bảo vệ mà còn cứu sống được rất nhiều trẻ em. WHO tính trung bình có khoảng 2,5 triệu trẻ được cứu sống. Ở Việt Nam, sau gần 30 năm triển khai, Chương trình TCMR đã có khoảng 67 triệu trẻ em được bảo vệ. Theo tính toán, chương trình này cứu sống được khoảng 40.000 trẻ khỏi tử vong nếu không có Chương trình tiêm chủng. Do vậy, WHO đánh giá rất cao nỗ lực của Chương trình tiêm chủng Việt Nam.

        Trước câu hỏi của người dân về việc tỷ lệ phản ứng sau tiêm chủng ở Việt Nam có vượt quá thống kê của quốc tế hay không? BS. Toda đưa ra thông tin, ở Việt Nam trong Chương trình tiêm chủng có hệ thống điều tra phản ứng sau tiêm rất tốt, tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm do vaccin viêm gan B nói riêng và các vaccin khác nói chung vẫn nhỏ hơn tỷ lệ của WHO đưa ra.



Các chuyên gia tham gia buổi tọa đàm.
Ảnh: Bích Ngọc

         Tiêm vaccin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau khi sinh, tỷ lệ trẻ mắc viêm gan sau đó rất thấp

          Tại cuộc tọa đàm về tính an toàn của chất lượng vaccin viêm gan B đã nhận được khá nhiều câu hỏi của người dân. Trước câu hỏi vì sao sau vụ việc tai biến ở Quảng Trị, Bộ Y tế vẫn đề nghị tiếp tục tiêm vaccin viêm gan B trong 24 giờ cho trẻ sau sinh? Việc tiêm vaccin viêm gan B có an toàn hay không và có cần thiết phải tiêm ngay sau 24 giờ không?... GS.TS. Trịnh Quân Huấn - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, đối với vaccin viêm gan B thì nhà sản xuất đã thử nghiệm rất nhiều đối với từng thời kỳ, các giai đoạn, cho nhiều đối tượng khác nhau và thấy rằng tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh đối với các bà mẹ có viêm gan B dương tính thì rất tốt, tỷ lệ trẻ mắc viêm gan sau đó rất thấp, thậm chí ở Mỹ người ta tiêm trong vòng 12 giờ chứ không phải 24 giờ. Như vậy, việc tiêm vaccin viêm gan B trong 24 giờ đầu là bảo đảm cho lịch tiêm chủng ổn định, hoàn chỉnh. GS.TS. Trịnh Quân Huấn cũng giải thích thêm: Bộ Y tế không đưa ra lịch tiêm vaccin viêm gan B mà đây là khuyến cáo của WHO cần phải tiêm vaccin này một cách như vậy.

        Một vấn đề liên quan đến tiêm chủng đã được đặt ra đối với các chuyên gia tại cuộc tọa đàm là “đã có một số những tai biến và sai sót trong tiêm chủng, do đó nhiều người lo ngại rằng, TCMR của nhà nước sẽ nhiều nguy cơ hơn là tiêm dịch vụ”. Về vấn đề này, GS. TS. Nguyễn Đình Bảng - nguyên Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm vaccin và sinh phẩm y tế đưa ra quan điểm, trên thực tế, một số bà mẹ đã đưa con đến tiêm dịch vụ đó là sự lựa chọn tự nguyện của các bà mẹ. Thế nhưng, nói rằng vaccin tiêm dịch vụ ít tai biến hơn vaccin TCMR là chưa đúng, chưa có cơ sở. Để so sánh 2 mảng tiêm chủng dịch vụ - mở rộng thì phải có nghiên cứu điều tra. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có nghiên cứu nào kết luận vaccin nào ít biến chứng hơn. Trên thực tế hiện nay dù là vaccin tiêm dịch vụ thì vẫn nằm trong sự kiểm soát của Bộ Y tế và các cơ sở tiêm dịch vụ vẫn là các cơ sở y tế và vẫn thực hiện quy trình nghiêm ngặt về tiêm chủng như đối với vaccin TCMR, chứ không có sự khác biệt nào

In      [ Trở về ]